Ngày đăng: 24/03/2010
Xu hướng mới trong xây dựng hiện nay là ứng dụng những vật liệu nhẹ, vật liệu nhân tạo vào các công trình nhà ở cao tầng, xưởng, văn phòng… Vật liệu nhẹ vừa mang lại hiệu quả kinh tế như giảm được chi phí nền móng, thi công nhanh, vừa bảo vệ môi trường mà vẫn đẹp và bền vững.
Các loại vật liệu truyền thống có các hạn chế về nhiều mặt như gạch nung phải vắt lên từ đất sét, khi nung tác động đến môi trường và sản phẩm nặng, thi công chậm bởi mang tính thủ công nhiều hơn. Gạch ceramic, granite nhân tạo hay đá, gỗ... cũng vậy, đều phải khai thác trong tự nhiên. Nhưng hiện nay, đã có những vật liệu mới hoàn toàn có thể thay thế, khắc phục được các nhược điểm trước đây của vật liệu cũ nhưng vẫn thẩm mỹ, bền và có những tính năng mới trong xây dựng.
Gạch nhẹ là loại gạch block chế tác từ xi măng, cát và chất tạo bọt để làm cho kết cấu viên gạch bên trong có những khoảng rỗng như hình thức tổ ong. Do đó sản phẩm nhẹ, cách âm, chịu nhiệt (hệ số dẫn nhiệt thấp hơn gạch nung 2 lần) và dễ khoan, cắt hay đóng đinh trực tiếp. Gạch nhẹ có kích thước cơ bản: 75 x 200 x 600 mm. Với kích thước này, một viên gạch nhẹ chỉ nặng 7,2 kg và trong xây dựng, nó có thể thay thế cho 6 viên gạch ống xây dính lại nặng khoảng 14 kg. Như vậy, cùng một kích thước xây dựng, xây bằng gạch nung sẽ nặng khoảng gấp đôi so với xây bằng gạch nhẹ. Gạch thích hợp xây nhà cao tầng, cơi nới tầng, vách ngăn, căn hộ trên nền đất yếu.
Một m2 tường xây bằng gạch nhẹ chỉ có 8 viên, xây gạch nung phải tốn 65 viên cộng thêm chi phí cho xi măng, cát (làm mạch hồ). Ngoài ra, còn chi phí nhân công, thời gian thi công cũng chậm hơn so với xây bằng gạch nhẹ. Tính chung, nếu xây 100 triệu đồng gạch nung thì xây gạch nhẹ chỉ mất khoảng 80 triệu đồng.
Gạch, đá bê tông xốp
Với những nguyên liệu thông thường như xi măng, cát, thạch cao, sợi thủy tinh… nhà sản xuất đã chế tác ra đa dạng sản phẩm ứng dụng trong trang trí nội, ngoại thất. Người ta dựa vào màu sắc, hình thù, sớ vân bề mặt của sỏi, đá vàng tím, sa thạch, đá ong… trong tự nhiên để sản xuất các loại gạch đá bằng nguyên liệu nêu trên. Đó là một dạng sản phẩm "giả" đá ghép, đá ốp tường, gạch giả cổ, sỏi đá từ suối... để thay thế sản phẩm có thật trong tự nhiên.
Ngoài ra, cũng từ những nguyên liệu trên còn có thể chế tác được các vật liệu giả gỗ, cây, tre, đá cubic, đá lát sân vườn, trụ cổng vuông - tròn. Nhờ sản xuất vật liệu tự nhiên bằng giải pháp nhân tạo - bê tông nhẹ nên nó không thấm nước và tạo được nhiều hoa văn, họa tiết, sắc màu, kích cỡ với nhiều chủng loại sản phẩm. Đặc tính chủ yếu là nhẹ, giảm được sự đòi hỏi khắt khe về kết cấu chịu lực của công trình. Ông Đỗ Văn Tâm, Công ty Vĩnh Cửu cho biết, dòng sản phẩm bê tông nhẹ thì “nhẹ hơn đá thật có cùng khối lượng khoảng 40%". Những sản phẩm này có ứng dụng đa dạng và thích hợp trong việc hoàn thiện công trình như ốp tường trang trí, lát nền sân, ban công, vườn, lối đi; làm tường rào, cột…
Gạch nhựa vinyl
Bạn khó có thể “phát hiện” đó là đá, gỗ hay thảm “giả”. Nhưng nó lại được làm bằng nhựa cao cấp vinyl, sản xuất giống như thật, như vật liệu có trong tự nhiên. Dù là nhựa nhưng vẫn tạo được hoa văn, màu sắc và đặc biệt không có độ bóng của nhựa - màu bóng vốn bị giới kiến trúc “chê” là thiếu thân thiện với công trình. Không những không bóng mà độ gồ ghề, lồi lõm, dợn sóng của đá, gỗ, hay thảm len đều được thể hiện rõ nét trên bề mặt “gạch nhựa” này.
Đặc điểm sản phẩm là rất nhẹ vì dày chỉ 3 mm và bằng một loại nhựa mềm riêng biệt “nên trọng lượng nhỏ, không đáng kể so với các loại gạch đá khác lát trên các công trình”, ông Bùi Huy Chương, phòng kinh doanh công ty phân phối Đạt Phú Thịnh nói. Ứng dụng vật liệu này có ưu điểm là thi công nhanh, sạch bằng keo dán chuyên dụng trên các loại mặt sàn, kể cả sàn đã lát gạch ceramic, đá… Sau một thời gian sử dụng, nếu muốn, người sử dụng dễ dàng thay đổi chất liệu, màu sắc... Loại gạch nhựa này thích hợp để làm mới nền nhà. Gạch có những đặc tính như không cong vênh, không co nhót, dán không cần ron (joint), vệ sinh dễ dàng; chống được trầy xước, mài mòn hay va đập, chống cháy. Sản phẩm của Hàn Quốc, đa dạng về kiểu dáng, được bảo hành 5 năm với màu sắc và sự biến dạng.
Đá ép trên nhôm, kính, ceramic
Bản thân đá tự nhiên đẹp, gần gũi, sang trọng và thích hợp trong trang trí, xây dựng các loại công trình nhưng nó có “tội” là nặng. Khắc phục khuyết điểm đó, các nhà sản xuất đã có thiết bị hiện đại “thái” mỏng đá tự nhiên ra thành những tấm dày chỉ 3-5 mm. Sau đó, dán nó lên trên các bề mặt vật liệu khác để ứng dụng trang trí thiết kế các công trình. Từ đó, công trình vừa giảm được tải trọng, vừa mang lại các hiệu ứng khác nhau, vừa tạo được bề mặt là đá thật.
Chẳng hạn, đá ép trên tấm nhôm, “sức nặng chỉ bằng 1/7 so với nguyên phiến đá; vào khoảng 8 -14kg/m2”, ông Victor Nguyen, Giám đốc công ty Resource one cho biết. Nhờ tấm đá mỏng ép trên nhôm nên ứng dụng đa cách và linh động trên các hạng mục công trình. Ví dụ, có thể đưa lên cao, ốp các bề mặt cong, vách ngăn, cửa… thậm chí làm trần phòng. Do đá ép trên nhôm nên có khả năng chịu được môi trường nước, sử dụng được trong phòng tắm, làm mặt quầy bếp, sàn nhà…
Đá xẻ mỏng nhưng được ép trên kính hay nền gạch ceramic thì cũng nhẹ hơn là tấm đá “nguyên chất”. Đá ép kính cho hiệu ứng phản quang, chiếu sáng làm nổi vân và sắc của đá tự nhiên. Đá ép trên ceramic lại có tác dụng chống ẩm và cách âm tốt, thích hợp làm sàn nhà…