Ngày đăng: 28/08/2013
HƯỚNG DẪN
Một số nội dung về nhật ký thi công xây dựng công trình
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003...
Căn cứ các nghị định của Chính Phủ: số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 về quản lý dự án đầu tư công trình; số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 12/2009/NĐ-CP; số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng; số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP;
Căn cứ các thông tư của Bộ Xây dựng: số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP; số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó đảm bảo chất lượng ghi chép và sử dụng nhật ký thi công xây dựng với ý nghĩa là tài liệu gốc về thi công công trình, chúng tôi nghiên cứu, tìm hiểu, hướng dẫn một số ghi chép và mẫu nhật ký thi công xây dựng công trình của các Sở ban ngành chuyên môn như sau:
1. Về hình thức: Nhật ký thi công xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu theo hướng dẫn tại Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, nhật ký thi công do nhà thầu thi công xây dựng lập, được đóng thành quyển, đánh số trang, đóng dấu giáp lai của nhà thầu thi công xây dựng và có xác nhận của chủ đầu tư công trình.
2. Về nội dung: Nhật ký phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, chính xác phản ánh được diễn biến của quá trình thi công và giám sát thi công xây dựng; việc ghi chép các thông tin trao đổi phải được thực hiện thường xuyên.
Nhà thầu thi công xây dựng công trình ghi vào nhật ký các nội dung: Hệ thống quản lý chất lượng công trình (danh sách cán bộ kỹ thuật của nhà thầu từ văn phòng đến công trường, chức danh, nhiệm vụ từng người); diễn biến tình hình thi công hàng ngày, từng loại công việc; mô tả vắn tắt phương pháp thi công; tình trạng thực tế của vật liệu, cấu kiện sử dụng; những sai lệch so với thiết kế bản vẽ thi công, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng (nếu có, ghi rõ nguyên nhân kèm theo biện pháp sửa chữa).
Chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng và giám sát tác giả thiết kế ghi vào nhật ký các nội dung: Danh sách, nhiệm vụ và quyền hạn của người giám sát; kết quả kiểm tra và giám sát thi công xây dựng tại hiện trường; những ý kiến về xử lý và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng khắc phục hậu quả các sai phạm về chất lượng công trình xây dựng; những thay đổi thiết kế trong quá trình thi công.
3. Các chủ đầu tư và đơn vị thi công có thể tải Mẫu nhật kí thi công xây dựng công trình đính kèm để tham khảo áp dụng, tạo điiều kiện thuận lợi trong việc ghi chép và sử dụng nhật ký thi công.
4. Chủ đầu tư các công trình xây dựng khi tổ chức thi công xây dựng công trình nên theo hoặc tham khảo các quy định về nhật ký thi công xây dựng công trình tại điểm d khoản 1 Điều 19, điểm d khoản 1 Điều 21, khoản 2 Điều 22 Nghị định 209/2004/NĐ-CP, các hướng dẫn nói trên và tham khảo áp dụng mẫu nhật ký kèm theo văn bản này.