Ngày đăng: 22/07/2013
Những điều cần lưu ý khi xây nhà
Để xây lên một ngôi nhà, chủ nhân phải mất rất nhiều công sức.
Xây nhà là việc quan trọng, nhiều khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, nếu được trang bị một số kiến thức về xây dựng cơ bản, biết tổ chức, sắp xếp công việc hợp lý, chủ nhà sẽ tránh được phần nào lúng túng.
Điều cần thiết đầu tiên của một chủ nhà là lên kế hoạch phác thảo, thiết kế mô hình ngôi nhà với diện tích được phép xây cất. Vị trí phòng khách, phòng ăn, các phòng ngủ, nhà vệ sinh, cầu thang... phải thật hợp lý.
Xây nhà là việc quan trọng, nhiều khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, nếu được trang bị một số kiến thức về xây dựng cơ bản, biết tổ chức, sắp xếp công việc hợp lý, chủ nhà sẽ tránh được phần nào lúng túng.
Điều cần thiết đầu tiên của một chủ nhà là lên kế hoạch phác thảo, thiết kế mô hình ngôi nhà với diện tích được phép xây cất. Vị trí phòng khách, phòng ăn, các phòng ngủ, nhà vệ sinh, cầu thang... phải thật hợp lý.
Tham khảo thiết kế những ngôi nhà có diện tích và vị trí tương tự là việc cần làm để tìm ra một phương án thiết kế tối ưu, hợp lý nhất.
Bạn cũng không nên bỏ qua ý kiến của những người từng xây và ở trong những ngôi nhà xây mới. Tiếp đó, bạn nên nhờ một đơn vị tư vấn thiết kế để thiết kế nhà theo ý mình. Trong những trường hợp nhà có diện tích quá nhỏ, việc bố trí phòng ốc gặp khó khăn, đơn vị tư vấn thiết kế sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích. Thiết kế sẽ bao gồm cả phần kết cấu (móng, dầm, trụ, cột..). Đây là phần chịu lực chính và rất quan trọng đối với bất kỳ ngôi nhà nào.
Dự trù kinh phí là vấn đề lớn thứ hai. Tùy theo giá cả vật tư được chọn và... túi tiền, bạn hãy tham khảo giá thành xây dựng một mét vuông. Hiện nay, ở các thành phố lớn, giá một mét vuông xây dựng có thể từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Ở các thành phố nhỏ, có thể từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Bạn có thể giảm giá thành xây dựng cho các khoản trang trí như vật liệu làm cửa, gạch ốp, thiết bị nội thất... Nhưng đối với kết cấu móng và khung chịu lực, bạn nhất thiết phải dùng những loại vật liệu tốt nhất cho ngôi nhà của mình.
Khi quyết định chọn nhà thầu thiết kế và nhà thầu xây dựng, điều đầu tiên là bạn phải đặt hết tin tưởng vào họ.
Bạn cần xem xét, hỏi ý kiến chủ của những ngôi nhà họ đã làm. Phải luôn nhớ rằng nhà thầu thi công xây dựng có đủ cách để "xoay" giá cả và vật tư cho dù là của bạn hay của họ, do đó chỉ có lòng tin mới làm bạn không băn khoăn, lo lắng. Từ cơ sở lòng tin đó, hai điều kiện để bạn ràng buộc họ trong hợp đồng ký kết là chất lượng và mỹ thuật công trình. Mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà thầu thi công xây dựng và chủ nhà sẽ làm cho nhà bạn có chất lượng và mỹ thuật hơn.
Có hai cách thực hiện xây nhà khi ký hợp đồng thi công: khoán hết cho nhà thầu thi công xây dựng hoặc chỉ khoán công. Trường hợp khoán hết cho nhà thầu thi công xây dựng, công việc của bạn là phải kiểm tra vật tư đưa vào có đúng chủng loại theo hợp đồng đã ký kết hay không, thi công có đúng theo kết cấu nhà hay không... Khi đã chọn phương án này, bạn hãy tin tưởng nhà thầu thi công xây dựng sẽ lấy uy tín, lương tâm nghề nghiệp của họ để đảm bảo cho ngôi nhà của bạn. Còn trong trường hợp chỉ khoán công, bạn phải hoàn toàn tự "chạy" vật liệu. Công việc này đòi hỏi bạn phải có nhiều thời gian.
Người chủ luôn dồn hết tâm huyết cho ngôi nhà của mình.
Dù đã có một bản vẽ thiết kế chi tiết và một đội thợ lành nghề, bạn vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm về ngôi nhà của mình. Một "núi công việc" đang ở trước mắt bạn. Do đó, bạn hãy lập ra kế hoạch cho từng giai đoạn.
Dự toán công trình
Khi quyết định chọn phương án sẽ tự lo vật tư, bạn cần phải có dự toán cho công trình. Nếu hiểu biết về xây dựng cơ bản, bạn có thể tự kiểm tra dự toán này, nếu không hãy nhờ một người có chuyên môn. Hợp đồng thi công nhà gồm: tháo dỡ nhà cũ (nếu có), san dọn mặt bằng, đào móng, xây móng, đổ bê tông lót, bê tông móng, cốt thép, xây tường, điện nước, làm nền, tô trát, lắp cửa, ốp gạch, sơn tường, thiết bị vệ sinh...
Tất cả những điều này đều được thể hiện trên bảng dự toán chi tiết. Sau khi nắm vững bảng dự toán này, bạn hãy tham khảo giá cả và vật tư sẽ sử dụng, có thể thêm hoặc bớt tùy theo loại vật tư sử dụng. Điều quan trọng là bạn hãy chú ý đến phần cốt lõi ngôi nhà, tức là những vật tư quan trọng trong kết cấu như: xi măng, thép, gạch...
Chọn mua vật tư
Thép: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chủng loại thép, giá cả chênh lệch nhau tùy theo chất lượng, công nghệ sản xuất... Các công ty khi bán cho cửa hàng tính theo cân, lúc bán lại họ tính theo cây, nhập nhằng các loại thép... do đó cần phải chọn lựa kỹ loại có cường độ phù hợp với kết cấu.
Ví dụ, đối với nhà trên 3 tầng, bạn dứt khoát phải chọn loại thép liên doanh như: Việt - Nhật, Việt - Úc... Điều khó khăn khi mua thép hiện nay là bằng mắt thường, bạn rất khó kiểm tra. Tuy nhiên, bạn có thể dùng thước cặp để kiểm tra đường kính thép. Cần chú ý, thép đưa vào công trình cần phải đúng chủng loại theo thiết kế kết cấu. Rắc rối là bạn khó có thể kiểm tra tất cả các lô thép mua về. Nếu xây nhà dưới 3 tầng, bạn có thể an tâm là dùng được thép sản xuất trong nước, với điều kiện phải kiểm tra đường kính thép, và ít nhất là cảm quan nhìn thấy thép tròn đều, không ovan, không rỗ... Một số loại thép liên doanh hay sản xuất tại các công ty lớn đều có ký hiệu trên cây thép để nhận dạng, tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp thép nhái, giả nhãn hiệu...
Xi măng: Nói chung về xi măng hiện nay bạn có thể yên tâm, bởi giá thành các loại xi măng không chênh lệch và chất lượng cũng ngang nhau, ví dụ như Sao Mai, Hải Phòng, Nghi Sơn, Hoàng Thạch, Hà Tiên đều có mác PC30 - PC40. Theo kinh nghiệm, xi măng mác PC30 có thể dùng xây, tô, đóng nền... nhưng khi dùng trong việc đổ bê tông phải dùng loại có mác PC40 (chú ý xi măng PC hay PCB chất lượng không khác nhau, chỉ khác về chỉ số mác hay còn gọi là cường độ nén xi măng).
Đá, cát: Các loại đá, cát sử dụng cho công trình phải theo đúng trong dự toán, đá phải đều, sạch. Chú ý: Cát có thể thiếu do thể tích vận chuyển không đúng, ví dụ như 5 mét khối nhưng khi giao hàng một xe chỉ có 4 mét khối chẳng hạn. Do đó, cũng phải kiểm tra "hòm hòm", cát phải đầy, tính theo chiều cao thành xe...
Những rủi ro cần tránh
Khi xây nhà, sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra, bạn khó có thể ngờ được, chẳng hạn như quan hệ láng giềng. Nếu nhà bạn sát vách hai nhà và có một người hàng xóm khó tính, họ sẽ bắt bạn làm cam kết không được ảnh hưởng đến tường nhà họ và bồi thường nếu có xảy ra hư hỏng. Gặp trường hợp như vậy, hai bên cần xác định những hư hỏng đã có trước đó, ghi rõ vào biên bản để tránh tranh cãi về sau. Có trường hợp vì thờ ơ, không để ý, gia đình người xây nhà phải đền bù chi phí sửa chữa mảng tường bị nứt trước đó cho người hàng xóm.
Bạn phải giữ gìn sức khỏe trong thời gian xây nhà, ăn uống điều độ, tránh căng thẳng, làm việc quá sức, đừng để ngã bệnh khi nhà đang xây dở. Điều cần chú ý nữa là cố gắng tìm tiếng nói chung với những thành viên trong gia đình suốt quá trình xây dựng.
Nguồn: Sưu tầm